Chùa Diệc

Chùa Diệc (còn gọi là Diệc Cổ Tùng Lâm, hay Diệc Cổ Tự) tọa lạc trên một mảnh đất thiêng của phường Quang Trung, thành phố Vinh. Tên chùa được mượn ý trong kinh Phật “diệc bộ diệc xu”, nghĩa là cùng bước theo, cùng chạy theo, gắn với câu chuyện dân gian về đàn chim diệc do trời phái xuống làm mưa, tưới nước. 
Chùa Diệc được khởi dựng từ cuối thời Trần, sau nhiều lần được trùng tu, kể từ cuối thế kỷ XIX, chùa Diệc dần trở thành trung tâm văn hóa - tín ngưỡng quan trọng ở xứ Nghệ thời xa xưa. Nơi ghi dấu nhiều hoạt động của các bậc tiền bối cách mạng một thuở của thành Vinh khói lửa và anh hùng. Đây cũng là nơi lưu giữ bản chép tay bằng chữ Nôm “Văn Chiêu hồn” nổi tiếng của đại thi hào Nguyễn Du. Chùa Diệc ngày trước rất rộng lớn, có thể nói là nhất nhì ở xứ Nghệ. 
Gắn liền với bao biến thiên lịch sử và dòng chảy của thời gian, chùa hiện chỉ còn khu tam quan cao khoảng 10m, gồm 3 tầng, được xây bằng gạch và xi măng có khảm sành, xung quanh tam quan có nhiều các bức hoành, câu đối. Ngoài khu tam quan, chùa cũng còn giữ được 2 tấm bia bằng đá và 1 gian trước kia là tòa thiêu hương nay được tận dụng làm nơi thờ Phật. 2 tấm bia đá cao chừng 2m, rộng 1m có hoa văn rất đẹp.
Trước những giá trị lịch sử của ngôi cổ tự, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh của người dân. Năm 2013, UBND tỉnh Nghệ An đã có quyết định phục hồi chùa Diệc và bổ nhiệm Thượng tọa Thích Thọ Lạc – Phó ban Thường trực Ban Trị sự tỉnh Nghệ An về đây trụ trì. Từ một ngôi chùa với những phế tích, đến nay chùa Diệc được bảo tồn, tôn tạo nhiều công trình như: Chính điện, nhà cư sĩ, hệ thống giao thông, Ngũ quan mới, Tam Quan cổ, khu Tăng xá đông đường và tây đường, bảo tháp thờ Phật, nhà truyền thống, thư viện và khuôn viên cảnh quan môi trường. 
Chùa xây dựng theo kiến trúc và trang trí mỹ thuật truyền thống văn hoá thuần Việt, kết hợp với nét đẹp của văn hoá thời đại, dung hoà giữa mỹ thuật và nhu cầu sử dụng cho hàng nghìn người cùng về tu học, tạo nên một quần thể tâm linh vừa tôn nghiêm vừa thoáng đãng. 
Ngày nay, theo truyền thống, tháng Bảy âm lịch người ta thường làm lễ cầu siêu cúng các cô hồn lưu lạc vô thừa nhận nơi đầu đường xó chợ, rất nhiều làng, nhiều chùa đền miếu đã dùng bài “văn Tế Thập loại chúng sinh” của cụ Nguyễn Du để làm văn tế, cầu siêu.
 

Loại hình

  • Di tích kiến trúc - nghệ thuật

Liên hệ

  • phường Quang Trung, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An

Viết đánh giá

Dịch vụ

Sự hài lòng

Độ hấp dẫn

Bản đồ

IZOMI