Đền Bạch Mã là một trong bốn ngôi đền linh thiêng được nhắc đến trong câu ca nổi tiếng: “Nhất Cờn, nhì Quả, tam Bạch Mã, tứ Chiêu Trưng”, tọa lạc tại huyện Thanh Chương. Ngôi đền được xây dựng vào thế kỷ XV, thờ vị tướng trẻ Phan Đà, người có nhiều đóng góp cho công cuộc chống giặc Minh xâm lược trên mảnh đất này.
Đền là công trình tưởng niệm một danh tướng do đích thân nhà vua ra chiếu chỉ xây dựng nên đã được đầu tư thực hiện cẩn trọng và hoành tráng. Công trình gồm có tam quan, nghi môn, thượng điện, trung điện, hạ điện, tả vu và hữu vu với nhiều kiến trúc độc đáo. Trong đền còn lưu giữ được nhiều cổ vật và đồ tế khí quý hiếm, khá đa dạng mang giá trị về mặt lịch sử, văn hóa, nghệ thuật gồm 28 lục lạc bằng đồng, 2 tượng voi, 1 long ngai đầu rồng, 4 bộ bát bửu, 1 kiệu rồng, 31 đài trán, 8 mâm ngũ quả, 2 nhà vàng, nhà bạc, 1 mũ lưới, 10 bát hương và nhiều sắc phong,... Đền uy nghi, bề thế, với nhiều mảng chạm khắc đẹp mắt, đặc biệt là ở trung điện, thượng điện. Mỗi chi tiết gỗ là một tác phẩm nghệ thuật đặc sắc với các đề tài truyền thống như phượng hàm thư, cá hóa rồng, rùa đội hoa sen, long mã... thể hiện trình độ “bậc thầy” của người nghệ nhân xưa. Các đề tài này không chỉ thể hiện sự uy nghiêm, tôn kính đối với vị thần chủ mà còn thể hiện ước mơ, khát vọng của người dân Võ Liệt về một cuộc sống an bình, hạnh phúc, như đương thời vị thần chủ của đền hằng mong muốn. Thần Bạch Mã nổi tiếng linh thiêng, đã nhiều lần linh ứng cứu dân, độ thế và phò trợ các vị vua, tướng của các triều đại đánh thắng kẻ thù. Người qua đây, kể cả quan lại cũng phải xuống ngựa ngả mũ nón vái lạy. Thần được các triều đại phong kiến gia phong là “Thượng Thượng Thượng Đẳng tối linh tôn thần”.
Đền Bạch Mã cũng là nơi ghi dấu ấn nhiều sự kiện lịch sử quan trọng gắn với các sự kiện chinh phục phương Nam của nhiều triều đại phong kiến, nhiều bậc vua chúa đã từng đến dâng hương và lưu trú tại đền.
Lễ hội đền Bạch Mã diễn ra từ ngày 9 - 10 tháng 2 âm lịch hàng năm, là một trong những lễ hội truyền thống độc đáo, mang đậm bản sắc văn hoá của địa phương, gồm hai phần: phần lễ và phần hội. Điểm nhấn của phần lễ là việc rước long ngai bài vị của thần Bạch Mã đi qua các thôn, xóm trước lúc về phủ ngoại - là nơi thờ cha mẹ của thần. Phần hội được tổ chức sôi nổi với nhiều trò chơi dân gian đặc sắc như vật cù, đập niêu, chọi gà,... Ngoài ra, khi tham gia lễ hội, du khách còn được thưởng thức các loại ẩm thực mang hương vị đặc trưng của Thanh Chương như nhút, trám... Năm 1994, đền Bạch Mã được xếp hạng là Di tích Lịch sử - kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia.
Dịch vụ
Sự hài lòng
Độ hấp dẫn