Đền thờ Mai Hắc Đế

Đền thờ Mai Hắc Đế là một trong những di tích trọng điểm của huyện Nam Đàn. Mai Hắc Đế là bậc kỳ tài có khí phách, ý chí đấu tranh vì nghĩa lớn, là vị anh hùng hào kiệt một thời đứng ra cứu nước, giúp dân. Mai Hắc Đế tên thật là Mai Thúc Loan, sinh ra và lớn lên tại động hòn Chèn, thôn Ngọc Trừng, xã Đông Liệt (nay là xã Nam Thái, huyện Nam Đàn). Tương truyền, ông có sức khỏe hơn người, mặt đen như sắt, người cao hơn bảy thước, khí phách oai hùng, là một đô vật nổi tiếng trong vùng. Bấy giờ, nhà Đường cai trị nước ta rất hà khắc, luôn tìm cách vơ vét của ngon vật lạ. Ở Nam Đàn, dưới chân dãy Đại Huệ có giống vải thơm ngon nức tiếng. Hàng năm, vua Đường bắt dân ta phải tiến cống vải với điều kiện hết sức khắt khe, xa ngàn dặm nhưng đến Kinh đô Tràng An phải còn tươi ngon. Bởi lý do đó, hàng trăm dân phu đã phải bỏ mạng trên đường đi tải vải; “Năm dặm một chòi lính giục vội Ngã hang, sa hổ chết chồng nhau”. Năm 713, trong một lần đi tải vải giữa trời nóng nực, nỗi căm hận dồn nén, Mai Thúc Loan đã vận động dân phu nổi dậy, giết bọn quan lính áp tải. Mọi người dùng trái “lệ chi” (quả vải) làm lễ ăn thề và tôn Mai Thúc Loan làm chủ soái. Ngay sau đó, Mai Thúc Loan kéo quân về Sa Nam lập căn cứ địa, tập hợp thêm quân, xây thành, đắp lũy chống giặc. Nhờ sự chuẩn bị kỹ lưỡng, ông đã giải phóng được một vùng giang sơn rộng lớn, từ châu Hoan, châu Diễn đến châu Ái. Thừa thắng xông lên, ông tiến quân đánh thành Tống Bình (Hà Nội ngày nay), tướng giặc là Quang Sở Khách sợ hãi bỏ thành chạy trốn. Mai Thúc Loan được nhân dân tôn làm Vua, đóng đô ở Vạn An, hiệu là Mai Hắc Đế. Sau khi lên ngôi Vua, Mai Thúc Loan xóa bỏ tô thuế, cống nạp... Nhân dân được hưởng cuộc sống yên vui, hạnh phúc. Năm Nhâm Tuất, Đường Huyền Tông thứ 10 (722), Vua Đường sai Phiêu kỵ tướng quân kiêm Nội thị Dương Tư Húc đem 10 vạn quân cùng Quang Sở Khách phối hợp tiêu diệt nghĩa quân. Giữa lúc ấy, vua Mai bị ốm nặng. Trước khi băng hà, ông trao toàn quyền chỉ huy cho con là Mai Thúc Huy (thường gọi là Mai Thiếu Đế). Dù tuổi đời con ít nhưng Mai Thúc Huy đã tiếp nối được khí phách của cha, anh dũng đương đầu với kẻ địch, khiến cho quân Đường vất vả lắm mới dập tắt được. Sau khi Mai Thúc Loan mất, thi hài Ngài được an táng tại núi Hùng Sơn. Về sau, nhớ đến công lao của Ngài, nhân dân đã lập đền trên núi Vệ Sơn, đời đời thờ phụng. Với nhiều giá trị to lớn, đền thờ Mai Hắc Đế ở thị trấn Nam Đàn đã được Nhà nước xếp hạng Di tích Lịch sử Quốc gia đặc biệt năm 2022.

Loại hình

  • Di tích kiến trúc - nghệ thuật

Liên hệ

  • huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An

Viết đánh giá

Dịch vụ

Sự hài lòng

Độ hấp dẫn

Bản đồ

IZOMI