Đền Vua Lê được xây dựng tại vùng Triều Khẩu, gần chân núi Lam Thành, nơi nghĩa quân Lam Sơn xây dựng căn cứ chống giặc Minh xâm lược, thuộc địa phận làng Lộc Điền, tổng Văn Viên, nay là xã Hưng Khánh, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Di tích là nơi nhân dân tri ân, tưởng niệm công lao to lớn của Vua Lê Thái Tổ và triều đại nhà Hậu Lê trong việc đánh đuổi quân xâm lược, xây dựng và phát triển đất nước.
Năm 1418, Lê Lợi xưng là Bình Định Vương phất cờ khởi nghĩa chống quân Minh ở Lam Sơn, Thanh Hóa. Từ Lam Sơn, cuối năm 1424, Lê Lợi kéo quân vào đất Nghệ An làm chỗ đứng chân. Từ đây, lực lượng nghĩa quân phát triển mạnh mẽ, liên tiếp giành nhiều thắng lợi, đặc biệt là trong cuộc chiến đánh thành Nghệ An sau 2 năm xây dựng lực lượng để nghĩa quân tiến đánh thành Đông Quan, giành thắng lợi hoàn toàn, đuổi quân Minh khỏi đất nước.
Sau 10 năm nếm mật nằm gai, đến năm 1428, đất nước đã sạch bóng xâm lược, Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế, lập nên triều đại Hậu Lê, một triều đại thịnh trị nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Vua Lê Thái Tổ trị vì được 6 năm. Sau khi Vua Lê Thái Tổ mất, để ghi nhớ công lao của người có công lập nên triều đại Hậu Lê, chính quyền và nhân dân đã xây dựng đền thờ Vua Lê tại vùng Triều Khẩu xưa.
Đền Vua Lê được xây dựng ở thế kỷ XV, trên khu đất cao ráo, thoáng, rộng khoảng 1ha với quy mô khá lớn gồm tam quan, hạ điện, trung điện, thượng điện và hai nhà tả vu, hữu vu. Do thiên tai, lũ lụt, các hạng mục hạ điện, trung điện, tả vu, hữu vu bị cuốn trôi và hư hỏng, chỉ còn lại thượng điện. Do yêu cầu đắp đê ngăn lũ nên tam quan xưa của đền cũng đã bị lấp, được nhân dân xây dựng mới năm 1994. Hàng năm, vào ngày 22/8 âm lịch, nhân dân trong vùng tập trung về đền làm lễ tưởng niệm ngày Vua Lê Thái Tổ băng hà. Ngày này trở thành lễ hội truyền thống tại di tích.
Với những giá trị nổi bật về lịch sử, Đền Vua Lê được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng Di tích Lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia vào ngày 20/02/1997.
Dịch vụ
Sự hài lòng
Độ hấp dẫn