Làng Vạc thuộc huyện Nghĩa Đàn là một di tích khảo cổ thuộc nền Văn hóa Đông Sơn được phát hiện từ năm 1972, nơi đây ghi nhận sức sống mạnh mẽ của nền văn minh Việt cổ trong sự hình thành và phát triển của dân tộc Việt Nam. Di tích đã được vinh danh là Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Lễ hội làng Vạc hằng năm là điểm nhấn du lịch của cả huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An.
Làng Vạc đã được giới khoa học trong và ngoài nước đặc biệt chú ý, bởi phát hiện ra những chiếc trống đồng Đông Sơn đẹp dưới lòng đất cùng nhiều đồ đồng khác trong thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của Mỹ. Chưa đầy một năm sau, năm 1973, Viện Khảo cổ đã tổ chức khai quật lần thứ nhất, tìm được ở đây một khu mộ táng khá bề thế cùng đồ tùy táng, chôn theo người quá cố là những chiếc trống đồng. Bên cạnh đó còn thấy nhiều dao găm có cán hình người, hình đôi rắn đang ngậm chân voi, đôi rắn ngậm chân hổ và khá nhiều vòng ống đeo cổ tay, cổ chân gắn nhiều lục lạc bằng đồng. Cho đến bây giờ ở Việt Nam chưa có một khu mộ cổ nào có nhiều trống đồng và đồ nghệ thuật bằng đồng nhiều và đẹp hơn nơi đây.
Đến năm 1981, khu mộ làng Vạc lại tiếp tục được khai quật và thêm nhiều hiện vật quý giá được phát hiện khiến các nhà khoa học nước ngoài chú ý, nhất là các nhà khảo cổ học Nhật Bản.
Trong hai năm 1990 và 1991, các nhà khảo cổ học Việt Nam và Nhật Bản đã hợp tác tổ chức một đợt khai quật quy mô, kết quả đã tìm thấy nhiều mộ táng, đồ đồng, đồ thủy tinh, hạt mã não trang sức. Bên cạnh đó, quyển sách “The Lang Vac site” (Di chỉ Làng Vạc) công bố về làng Vạc là công trình hợp tác giữa Nhật Bản và Việt Nam, xuất bản vào năm 2004 bằng tiếng Anh tại Tokyo, Nhật Bản đã được đánh giá cao về mặt khoa học.
Dịch vụ
Sự hài lòng
Độ hấp dẫn