Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Hồng Phong

Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Hồng Phong tại xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên là nơi lưu giữ những dấu ấn thời niên thiếu, từng bước trưởng thành và tham gia hoạt động cách mạng của đồng chí Lê Hồng Phong. Lê Hồng Phong, còn có tên là Lê Huy Doãn, bí danh là Trí Bình, quê làng Thông Lãng, tổng Phù Long, nay là xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên. Từ hoạt động yêu nước, năm 1924, ông cùng Phạm Hồng Thái được đưa sang Quảng Châu, gặp Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn và gia nhập tổ chức Tâm Tâm xã. Cuối năm 1924, ông được Nguyễn Ái Quốc huấn luyện về chủ nghĩa Mác – Lê nin và các kinh nghiệm hoạt động Quốc tế; được kết nạp vào Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội. Tại Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ VII (7/1935), ông được bầu làm Ủy viên dự khuyết BCH Quốc tế Cộng sản. Năm 1946, Lê Hồng Phong được cử về nước hoạt động với danh nghĩa là đại diện của Quốc tế Cộng sản bên cạnh Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1938, ông bị thực dân Pháp bắt ở Sài Gòn và bị kết án 10 tháng tù. Hết hạn tù, đồng chí bị đưa về quê quản thúc (1939), chưa kịp liên lạc với Đảng thì bị bắt lại, giam ở Khám lớn Sài Gòn, rồi đày ra Côn Đảo. Đồng chí bị bọn cai ngục đánh đập, tra khảo dã man đến phát bệnh nặng và mất vào ngày 6/9/1942 tại Nhà tù Côn Đảo. Trước lúc đi xa, đồng chí Lê Hồng Phong còn căn dặn: “Nhờ các đồng chí nói với Đảng rằng, tới giờ phút cuối cùng Lê Hồng Phong vẫn một lòng tin tưởng vào thắng lợi vẻ vang của cách mạng”. Đồng chí Lê Hồng Phong, người con ưu tú của quê hương Nghệ An, học trò xuất sắc của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, vị Tổng Bí thư thứ hai của Đảng, với 40 tuổi đời, hơn 20 năm hoạt động cách mạng liên tục sôi nổi, đồng chí đã anh dũng hy sinh. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Lê Hồng Phong cùng người đồng chí thân thiết, người vợ hiền thảo Nguyễn Thị Minh Khai sẽ sống mãi cùng non sông, đất nước, mãi mãi là niềm tự hào, tấm gương sáng cho chúng ta học tập và noi theo. Năm 1998, Di tích Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Hồng Phong được phục dựng trên khuôn viên rộng 3.710m2 gồm: Nhà ông Cửu Soạn (gồm nhà lớn, nhà ngang) và nhà của Lê Hồng Phong (gồm nhà lớn, nhà bếp). Nhà của ông Cửu Soạn cấu trúc theo kiểu tiền trụ, mái lợp tranh săng, là nơi Lê Hồng Phong cất tiếng khóc chào đời và sống những năm tháng tuổi trẻ. Nhà của đồng chí Lê Hồng Phong gồm một nhà lớn 3 gian 2 hồi và một nhà bếp 2 gian lợp bằng tranh săng. Ngoài ra trong khuôn viên Di tích còn xây dựng thêm một nhà với kiểu kiến trúc hiện đại làm nơi thờ tự gia đình đồng chí Lê Hồng Phong. Ngày 13/3/1990, Khu lưu niệm đồng chí Lê Hồng Phong được công nhận là Di tích Lịch sử - văn hóa Quốc gia.

Loại hình

  • Di tích Cách mạng

Liên hệ

  • xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An

Viết đánh giá

Dịch vụ

Sự hài lòng

Độ hấp dẫn

Bản đồ

IZOMI