Khu lưu niệm Xô viết Nghệ Tĩnh được xây dựng tại thị trấn Hưng Nguyên, huyện Hưng Nguyên. Đây là nơi ghi dấu cuộc đấu tranh anh dũng của nhân dân hai huyện Hưng Nguyên và Nam Đàn ngày 12/9/1930, đồng thời, cũng là nơi đã chứng kiến tội ác tàn bạo của đế quốc và phong kiến đối với phong trào đấu tranh của nhân dân ta.
Từ tháng 9/1930, phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh phát triển lên đến đỉnh cao. Hàng loạt các cuộc biểu tình nổ ra ở Nghệ An, Hà Tĩnh. Tiêu biểu là cuộc đấu tranh của nhân dân Hưng Nguyên. Sáng ngày 12/9/1930, khoảng 8.000 nông dân thuộc 3 tổng: Phù Long, Thông Lãng (Hưng Nguyên) và Nam Kim (Nam Đàn) dưới sự lãnh đạo của Phủ ủy, với hàng ngũ chỉnh tề, trang bị gậy gộc, giáo mác, dây thừng, giương cờ đỏ búa liềm kéo về ga Yên Xuân. Đoàn biểu tình xếp hàng tư, dài khoảng 3 - 4 km, một đội cầm cờ và hai đội tuyên truyền đi trước, hai đội xích vệ yểm hộ hai bên, nhân dân đi giữa. Ban chỉ huy ra lệnh trói viên sếp ga lại và cắt đường dây điện tín. Chị Nguyễn Thị Phia đứng lên diễn thuyết, tố cáo tội ác của thực dân Pháp và phong kiến Nam triều, kêu gọi quần chúng đi theo Đảng Cộng sản. Tiếng hô khẩu hiệu vang dậy cả một vùng. Số người tham gia biểu tình mỗi lúc một đông. Bị một toán lính bắn dọa, trời lại mưa to, nhưng đoàn biểu tình vẫn giữ vững hàng ngũ, tiến về phủ lỵ Hưng Nguyên. Khi đoàn biểu tình vừa tiến đến Thái Lão, thực dân Pháp cho máy bay ném bom vào giữa đám đông làm nhiều người chết và bị thương. Buổi chiều, bà con nông dân ra khâm liệm và mai táng những người đã hy sinh, máy bay Pháp lại đến tàn sát một lần nữa làm 217 người chết, 125 người bị thương và hàng chục người bị bắt giam. Cuộc khủng bố dã man này đã làm chấn động dư luận trong nước và quốc tế. Đánh giá về sự kiện này, trong Báo cáo “Nghệ Tĩnh Đỏ” gửi Quốc tế Cộng sản ngày 19/02/1931, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã viết: “Bom đạn, súng máy, đốt nhà, đồn binh (28 đồn mới được dựng lên ở riêng Nghệ An), tuyên truyền của chính phủ, báo chí... đều bất lực không dập tắt nổi phong trào cách mạng của Nghệ - Tĩnh." Từ năm 1930 – 1955, nơi đây là vùng đất nổi lên giữa đồng với những nấm mồ của các liệt sĩ đắp bằng đất thấp. Để ghi nhớ công ơn của các chiến sĩ đã hy sinh, năm 1956, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An cho khởi công xây dựng di tích với quy mô của một nghĩa trang liệt sĩ. Năm 1960, Ty Văn hóa Nghệ An (Nay là Sở Văn hóa, Thể thao tỉnh Nghệ An) thiết kế và thể hiện theo quy mô đài tưởng niệm liệt sĩ, phía dưới là phần mộ chôn chung của các liệt sĩ, phía trên là trụ đài, ghi sự kiện đấu tranh trong ngày 12/9/1930. Bên phải trụ đài và mộ là nhà tưởng niệm có ghi danh 217 liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trong sự kiện này.
Ngày 09/12/1961, trong dịp về thăm quê lần thứ hai, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến đặt vòng hoa tưởng niệm các liệt sĩ Xô viết Nghệ Tĩnh đã hy sinh ngày 12/9/1930.
Hằng năm vào ngày 12/9, đại diện Đảng bộ, chính quyền và nhân dân hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh về đây thắp hương, kỷ niệm ngày truyền thống Xô viết Nghệ Tĩnh. Năm 1988, Khu lưu niệm Xô Viết Nghệ Tĩnh được công là Di tích Lịch sử Quốc gia.
Năm 2009, Di tích được tu bổ nâng cấp các hạng mục trong Khu di tích; xây mới Quảng trường Xô viết - Nghệ Tĩnh và tượng đài, với diện tích 12,9ha. Hiện nay, các hạng mục công trình trong khu di tích gồm Nhà tưởng niệm, Tượng đài và Khu mộ đã hoàn thành, đưa vào sử dụng và phát huy tốt giá trị.
Dịch vụ
Sự hài lòng
Độ hấp dẫn