Núi Lam Thành trải dài trên địa bàn các xã Hưng Phú, Hưng Lam và Hưng Khánh (huyện Hưng Nguyên), được biết với nhiều tên gọi khác nhau như: rú Thành, Đồng Trụ Sơn, núi Hùng Sơn, núi Nghĩa Liệt. Do núi nằm sát sông Lam, phía trên núi có xây thành (thành Trương Phụ) nên gọi là núi Lam Thành.
Theo tài liệu khảo sát địa chất, núi Lam Thành được hình thành do quá trình kiến tạo địa tầng cùng với dãy Trường Sơn và một số núi non khác. Núi Lam Thành nổi lên sừng sững giữa vùng đồng bằng trù phú, rộng lớn, bao quanh là những dãy núi kỳ vĩ: núi Đại Hải án ngữ phía Bắc, dãy Hồng Lĩnh che chắn phía Nam, phía Tây được ôm ấp bởi núi Thiên Nhẫn; phía trước, sát chân núi là ngã ba sông, nơi hợp lưu của hai con sông lớn: sông Lam và sông La. Thế sông uốn, núi chầu, cảnh vật sơn thủy hữu tình này rất hiếm nơi có được, tạo cho Lam Thành thành một danh thắng nổi tiếng ở xứ Nghệ, là đề tài cho nhiều nhà thơ và họa sĩ danh tiếng như Vua Lê Thánh Tông, Bùi Dương Lịch sáng tác...
Về lịch sử, núi Lam Thành là nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của địa phương và dân tộc. Với vị trí chiến lược gần sông, tựa núi, với làng mạc trù phú bao quanh nên suốt thời kỳ dựng nước và giữ nước, Lam Thành luôn giữ vị trí chiến lược. Đặc biệt trong cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược, Lam Thành là nơi ghi dấu nhiều nhất những sự kiện lịch sử quan trọng gắn với lịch sử chống ngoại xâm hàng nghìn năm của dân tộc. Trong suốt 370 năm, từ đầu thời Hậu Lê (1428) cho đến cuối thời Tây Sơn (1801), Lam Thành cũng là trấn lỵ của Nghệ An. Với những giá trị lịch sử đó, núi Lam Thành đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng là Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia ngày 19/5/1962.
Dịch vụ
Sự hài lòng
Độ hấp dẫn