Sông Lam

Sông Lam là một trong hai con sông lớn nhất ở Bắc Trung Bộ Việt Nam. Sông Lam (từng có tên là Lam Giang, sông Cả, Thanh Long giang, sông Rum) nổi danh trong sử sách, nhất là dưới triều Nguyễn. Năm Bính Thân (1836), triều Nguyễn đúc 9 đỉnh đồng, chạm nhiều cảnh đẹp nổi tiếng của đất nước đặt trước miếu trong thành nội Huế, thì "Anh đỉnh" chạm cảnh Hồng Sơn và "Tuyên đỉnh" chạm cảnh "Lam Thủy". Cùng với núi Hồng Lĩnh, sông Lam được xem là biểu tượng của xứ Nghệ.
Sông bắt nguồn từ cao nguyên Xiengkhuang, Lào. Phần chảy trên lãnh thổ Lào gọi là Nam Khan. Phần chính của dòng sông chảy qua Nghệ An, phần cuối của sông Lam hợp lưu với sông La từ Hà Tĩnh, tạo thành ranh giới của Nghệ An và Hà Tĩnh đổ ra biển tại cửa Hội.
Theo sử ghi, Cửa Hội, điểm kết thúc của dòng Lam là một vùng đất thiêng thuộc phủ Vĩnh Doanh, chính là tiền đồn phía đông nam của quốc gia Đại Việt. Vào thời Hậu Lê, Thái úy - Quận công Nguyễn Sư Hồi, con trai trưởng của Thái sư - Cương quốc công Nguyễn Xí, được phong làm Trấn thủ thập nhị hải môn, quản lý 12 cửa biển từ Sầm Sơn đến Cửa Tùng, đã chọn vùng đất này lập đại bản doanh thủy quân. Có thể nói, Cửa Hội chính là vị trí tiền tiêu, địa bàn chiến lược để đối phó với những mối nguy đến từ phía biển. Trong hai cuộc chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, dòng sông Lam cũng mang nặng những chiến công. Với những địa danh nổi tiếng một thời: Bến phà Đô Lương, đò Rộ (Thanh Chương), vạn Rú (Nam Đàn), cầu Bến Thủy (Vinh)... là những điểm bị không quân Mỹ đánh phá ác liệt, nhưng dòng Lam vẫn kiên cường cùng quân và dân ta chống lại kẻ thù.
Với xứ Nghệ, dòng sông hình thành nên phong tục tập quán, cách ứng xử, tạo nên bản sắc văn hóa độc đáo không thể trộn lẫn với nơi nào khác. Có thể gọi sông Lam là dòng sông di sản, bởi dòng chảy không chỉ đơn thuần là địa lý mà hơn thế, đó chính là dòng chảy của lịch sử và của nền văn hóa xứ Nghệ bao đời nay. Sông đã trở thành suối nguồn vô tận cho cảm hứng sáng tác thi ca, nhạc, họa. Cảm hứng đó đã cho ra đời biết bao ca khúc xúc động về quê hương, về Đảng, Bác Hồ mang âm hưởng làn điệu dân ca Ví, Dặm. Lam Giang không đơn thuần là một dòng sông, mà còn là dòng “trầm tích” văn hóa như tâm tình của người xứ Nghệ: “Bao giờ Hồng Lĩnh hết cây, Sông Lam hết nước thì đó với đây mới hết tình...”
 

Loại hình

  • Danh lam thắng cảnh

Liên hệ

  • Tỉnh Nghệ An

Viết đánh giá

Dịch vụ

Sự hài lòng

Độ hấp dẫn

Bản đồ

IZOMI