Thành cổ Vinh ngày xưa thuộc xã Vĩnh Yên, phủ Yên Trường, tỉnh Nghệ An. Nay là địa phận phường Cửa Nam - thành phố Vinh. Thành cổ có tên gọi cũ là Thành Nghệ An, trong dân gian còn có tên là Thành con rùa (thành quy hình). Sở dĩ được gọi là thành con rùa là bởi thành xây theo hình 6 cạnh, đứng trên núi Quyết nhìn xuống trông giống như con rùa. Thành được xây bằng đất. Triều đình vua Gia Long đã huy động 1.000 lính Thanh Hoá, 4.000 lính Nghệ An để xây thành. Đến đời vua Minh Mạng, năm 1831 thành được xây bằng đá ong với quy mô to lớn, kiên cố hơn. Đến thời Tự Đức, khi nâng cấp đã lấy 8.599 phiến đá sò từ Diễn Châu và đá ong từ Nam Đàn, 4.848 cân vôi, 155 cân mật mía, với tổng kinh phí là 3.688 quan tiền - một số tiền khổng lồ lúc bấy giờ để xây dựng. Như vậy là chúng ta có thể thấy được quy mô xây dựng thành và vị thế của thành là rất quan trọng, hơn nữa thành còn được xây dựng chính bằng sức của người dân. Thành có cấu tạo hình lục giác, với diện tích khoảng 420.000m2 , chu vi là 2.520m. bao gồm 2 vòng thành: vòng thành trong và vòng thành ngoài. Cùng với hệ thống thành cao là hệ thống hào sâu. Hào được đào sát bờ thành để lấy đất đắp lũy thành và cũng là hệ thống bảo vệ, tăng thêm sự khó khăn khi đối phương tấn công vào thành. Hệ thống hào hàng năm còn được thả sen để lấy hạt cống nạp triều đình. Thành có 3 cửa ra vào: cửa Tiền, cửa Tả, cửa Hữu. Bên trong công trình lớn nhất là hành cung, phía Đông là dinh Thống đốc; phía Nam là dinh Bố chánh, Án sát, Lãnh binh, Đốc học; phía Bắc có trại lính và nhà ngục. Sau này, phía Tây có Nhà giám binh người Pháp. Toàn bộ thành được trang bị 65 khẩu thần công, 47 khẩu đặt ở các vọng gác, số còn lại tập trung ở Hành cung và dinh Thống đốc. Thành cổ Vinh ra đời với mục đích tạo ra một trung tâm chính trị, quân sự, văn hóa của tỉnh Nghệ An, nhưng chế độ phong kiến nhà Nguyễn đang trên con đường suy vong nên chưa phát huy được vai trò tích cực theo ý đồ thiết kế. Thậm chí, nó sớm trở thành trung tâm chống lại các phong trào yêu nước, là chứng tích của một thời kỳ bi thương mà hào hùng của nhân dân Nghệ An. Nơi đây cũng là nơi chứng kiến sự kiện bà Nguyễn Thị Thanh (Chị gái Chủ tịch Hồ Chí Minh) đã tổ chức lấy trộm súng của địch để cung cấp cho nghĩa quân Đội Quyên, Đội Phấn. Vụ việc bị bại lộ, bà bị bắt, bị giải vào nhà lao Vinh. Phiên tòa ngày 04/06/1918 đã xử bà đánh 100 trượng và đày khổ sai 9 năm. Tiếp đó là thời kì sục sôi khí thế của cao trào cách mạng 1930 – 1931, Thành cổ Vinh trở thành nơi chứng kiến những cuộc đấu tranh quyết liệt của nhân dân xứ Nghệ, làm nền một Xô viết Nghệ Tĩnh anh hùng. Năm 1941, Thành cổ Vinh lại chứng kiến sự hy sinh của Đội Cung và những cộng sự. Mộ của ông hiện vẫn nằm uy nghi dưới những tán cây xanh thắm trong Thành cổ. Ngày 20 tháng 8 năm 1945, với khí thế hào hùng, quân và dân ta đã tiến công vào Thành cổ – sào huyệt của thực dân phong kiến trên mảnh đất xứ Nghệ, góp phần làm nên khúc tráng ca tháng Tám năm 1945. Đây còn là nơi diễn ra sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc với Tỉnh ủy và nói chuyện với Hội nghị đại biểu nhân dân Nghệ An trong 2 lần Người về thăm quê (năm 1957 và 1961). Trải qua quá trình lịch sử, sự khắc nghiệt của thời gian và sự tàn phá của chiến tranh, Thành cổ Vinh không còn được nguyên vẹn, chỉ còn lại 3 cổng thành sừng sững án ngự giữa những con đường vào thành nội. Năm 1998, di tích được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng là Di tích Lịch sử cấp Quốc gia vào ngày 24/01/1998.
Dịch vụ
Sự hài lòng
Độ hấp dẫn